Tình trạng căng thẳng ở nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19

Thông tin khoa học 2021-08-03
Nhóm tác giả: Võ Văn Thắng, Nguyễn Phúc Thành Nhân, Lê Đình Dương, Trần Đình Trung.

      Sự bùng phát dịch COVID-19 dẫn đến việc gia tăng thời gian làm việc để đảm trách khối lượng công việc đang ngày càng tăng lên. Trong đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng vào giữa năm 2020, các bệnh viện ở thành phố này cũng là những nguồn lây COVID-19 cho bệnh nhân, người chăm sóc và cả nhân viên Y tế (NVYT). Nhiều NVYT đã phải cách ly trong các cơ sở y tế cùng với bệnh nhân COVID-19 và những người chăm sóc nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 sang cộng đồng. Đây là nhóm có nguy cơ bị nhiễm cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn với sự xuất hiện của nhiều biến thể. Trên thực tế, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao do COVID-19 ở NVYT đã được ghi nhận trên toàn cầu. Đối mặt với đại dịch COVID-19, NVYT bị phơi nhiễm cả về thể chất lẫn các yếu tố căng thẳng tâm lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ. Các yếu tố như không đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thời gian làm việc dài, khối lượng công việc lớn, lo lắng về việc bị ốm và có thể lây bệnh cho người thân có thể đã làm tăng thêm stress cho NVYT trong công tác chống dịch COVID-19. Thêm vào đó, kỳ thị NVYT làm việc trong môi trường có tính lây nhiễm cao gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần của họ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng bị stress (căng thẳng) ở NVYT có tỷ lệ phổ biến cao, dao động từ 2.2% đến 41.2% tùy thuộc vào chuyên môn, loại hình hoạt động, và mức độ tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tình trạng bị stress kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm thần mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc của các NVYT.

      Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng & Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế đồng phối hợp cùng Sở Y tế tp. Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu về tình trạng căng thẳng ở nhân viên Y tế tuyến đầu đang đảm nhiệm các công tác phòng chống dịch trong thời điểm dịch bùng phát. Có tổng cộng 746 nhân viên Y tế tuyến đầu đã tham gia vào nghiên cứu này ngay trong thời điểm dịch bùng phát.

      Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy thời gian làm việc của NVYT tuyến đầu kéo dài đến 48 tiếng/tuần (từ 40 đến 56 tiếng/tuần), đi kèm với đó là khả năng gia tăng tình trạng căng thẳng. Để đảm bảo chăm sóc bệnh nhân và phòng chống dịch tại Đà Nẵng, các nhân viên y tế phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, thường xuyên với các nguồn lực bị giới hạn. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ y tế thông thường, NVYT phải thực hiện các nhiệm vụ bổ sung khác nhau, từ xác định thông tin liên lạc, giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp bệnh COVID-19.
      Tình trạng căng thẳng ở mức cao không chỉ gặp ở các NVYT trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như Bác sỹ, Y tá, Điều dưỡng mà còn gặp ở nhân viên xét nghiệm. Đây là một phát hiện của nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy việc tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm hay sử dụng PPE kéo dài cũng sẽ dẫn đến gia tăng nguy cơ căng thẳng.

      Chúng tôi hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ góp phần cung cấp bằng chứng về tình trạng căng thẳng ở nhân viên Y tế, những người đang ngày đêm đối đầu với dịch bệnh; từ đó các nhà chính sách có thể có các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân viên Y tế trong cuộc chiến chưa có hồi kết với COVID-19.

Bài báo gốc trên tạp chí International Journal of Environmental Research and Public Health (SCIE, Q2, IF=3.390 (2020):

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8303910/

Bài báo được Việt hóa:

https://drive.google.com/file/d/1JFd-KwTpE2Fh2uJgIopyPxVem-pT0DX_/view?fbclid=IwAR3-YO8Wpwj9pmsKe9DH8VeCQSyg4zJemKOeoPaf_WkQIwQAEM9xgdnMFdI

Từ khoá: