Một số vấn đề quan tâm đến sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân không nhiễm Covid-19 khi điều trị tại các bệnh viện hỗn hợp



Khoa Y tế Công cộng xin phép giới thiệu bài viết tổng quan về một số vấn đề quan tâm đến sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân không nhiễm Covid-19  khi điều trị tại các bệnh viện hỗn hợp của nhóm tác giả PGS.TS Võ Văn Thắng, TS.BS Nguyễn Minh Quân và cộng sự. 

Nguyễn Minh Quân (*), Phan Thị Hoài Yến (**), Nguyễn Phúc Thành Nhân (***), Võ Văn Thắng (***)
(*) Bệnh viện thành phố Thủ Đức
(**) Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
(***) Viện NCSKCĐ và Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế 


1. BỐI CẢNH
Đến tháng 1 năm 2021, đã có hơn 100 triệu người trên thế giới nhiễm COVID-19  và hơn 2 triệu người tử vong [1]. COVID-19 đã trở thành vấn đề y tế công cộng toàn cầu trong giai đoạn 2019 – 2021, do đó gần như toàn bộ hệ thống y tế cũng như chính sách y tế đã tập trung đến dịch bệnh này với tiêu chí ngăn ngừa sự lây nhiễm cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đã có những báo cáo cũng như nghiên cứu chỉ ra thực trạng về lỗ hổng trong chăm sóc các bệnh lý không liên quan đến COVID-19 nói chung cũng như trong hoạt động khám chữa bệnh nói riêng [2-4]. Những sự điều chỉnh nguồn lực y tế cũng như chính sách y tế tại nhiều quốc gia gần như chỉ tập trung cho dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc và ảnh hưởng tới bệnh nhân không mắc phải COVID-19  [5-8]. 
Nghiên cứu của Maringe C (2020) tại Anh trên 32583 bệnh nhân ung thư vú, 24975 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, 6744 bệnh nhân ung thư thực quản và 29305 bệnh nhân ung thư phổi ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng lên từ 5% đến 10% so với thời điểm 5 năm trước do sự chậm trễ trong chẩn đoán trong đại dịch COVID-19 ở Anh [4]. Nghiên cứu của Santi L (2021) thực hiện tại Ý nhằm đánh giá tác động của việc thay đổi cấu trúc hệ thống chăm sóc sức khỏe trên bệnh nhân không mắc COVID-19 làm tỷ lệ tử vong ngoại viện tăng đáng kể (43,2%) và tử vong ngoại viện do nguyên nhân cụ thể liên quan đến ung thư tăng 76,7%, nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa tăng 79,5% và tử vong do bệnh tim mạch tăng 32,7%. Đại dịch đã làm giảm đột ngột số lần khám và nhập viện của bệnh nhân không mắc COVID-19 trong giai đoạn các bệnh viện hoạt động theo mô hình chia đôi (một nửa điều trị bệnh nhân COVID và một nữa điều trị bệnh thông thường) [9].
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng nhận thấy nhiều người trì hoãn việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trong thời kỳ đại dịch (do sợ lây nhiễm hoặc để tránh tạo gánh nặng cho dịch vụ y tế và sức khỏe tâm thần sẽ bị ảnh hưởng bởi lo âu liên quan đến đại dịch, về việc làm và tình hình tài chính cũng như những biện pháp kiểm soát (giãn cách xã hội, phong tỏa và cách ly) [10, 11]. UNICEF cũng khẳng định rằng việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong đại dịch bị trì hoãn, người dân có xu hướng tự điều trị thay vì đến các cơ sở Y tế vì các nỗi sợ liên quan đến lây nhiễm COVID-19; điều này dẫn đến các nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai có thể nhận lấy những hậu quả đáng tiếc [12]. Nghiên cứu của Pfefferbaum B và cs (2020) tại Châu Âu và Yao H (2020) tại Trung Quốc kết luận rằng cần phải hiểu rõ gánh nặng của sức khỏe tâm thần liên quan đến COVID-19  ở những nhóm dân số có nguy cơ cao như người lớn tuổi, những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, những người có bệnh nền hoặc những bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện trong đại dịch vì những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâm sàng, chất lượng cuộc sống [13, 14].


Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Tiếp theo công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhằm tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong, đồng thời duy trì công tác khám, chữa bệnh thường quy đã quy định các bệnh viện dành tối thiểu 40% giường để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương trở thành khu vực "Nguy cơ rất cao". Thời điểm hiện tại, cuối tháng 8/2021, số ca mới mắc trong cả nước đã lên hơn 10000 ca mỗi ngày trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương chiếm hơn 8000 ca. Bên cạnh các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 chuyên sâu thì đã có 10 bệnh viện được chuyển đổi thành bệnh viện hỗn hợp, vừa điều trị COVID-19 vừa thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thông thường. 
Như vậy vấn đề đặt ra là việc điều trị tại những bệnh viện hỗn hợp đối với những bệnh nhân không nhiễm COVID-19 sẽ có những ảnh hưởng gì đến sức khỏe tâm thần ở những bệnh nhân này? Và kết quả điều trị liệu có bị ảnh hưởng hay không?
2. THỰC TRẠNG SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA BỆNH NHÂN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19  
Heitzman J (2020) đã chỉ ra rằng, chẩn đoán căng thẳng gây ra bởi đại dịch COVID-19, thuộc loại rối loạn căng thẳng cấp tính. Mức độ căng thẳng là hệ quả nhiều tình huống không phải chỉ do mắc phải COVID-19 mà còn do trãi nghiệm việc bị cách ly, đối mặt với cái chết của gia đình và bạn bè thân thiết hay thậm chí chứng kiến cái chết của những người nhiễm COVID-19  tại bệnh viện [15]. 
Nghiên cứu của Andrew và cộng sự cho thấy rằng người dân hiện đang có các rối loạn tâm thần hay người bình thường đều có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần và càng trầm trọng hơn trong thời kì dịch bệnh COVID-19 [16].https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(20)30797-0/fulltext
Một số nghiên cứu đã chứng minh sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần và đau khổ tâm lý ở những người khỏe mạnh không bị nhiễm gây ra bởi COVID-19 ngày càng tăng [17-19]. Wang C và cộng sự (2020) đã thực hiện một cuộc điều tra quốc gia tại Trung Quốc ghi nhận 53,8% số người được hỏi chịu tác động ở mức nghiêm trọng của dịch bệnh đối với tình trạng tâm lý, 16,5% có các triệu chứng trầm cảm nặng trong khi 28,8% có các triệu chứng lo âu nặng [20]. Qiu C (2020) thì ghi nhận 35% dân số Trung Quốc căng thẳng và lo âu kể cả khi đã qua đỉnh dịch [21]. 
Đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần, các triệu chứng của rối loạn hoảng loạn, kích động, căng thẳng hậu sang chấn và ý tưởng tự sát ngày càng nhiều hơn do việc điều trị bị chậm trễ và do lo lắng bị lây nhiễm chéo khi được điều trị nội trú [22].

Một nghiên cứu gần đây đã xác định bốn dạng tổn thương chính của bệnh nhân rối loạn tâm thần trong đại dịch này: (1) các bệnh nền như bệnh tim mạch và phổi, tiểu đường, béo phì, v.v., ở bệnh nhân rối loạn tâm thần, là những yếu tố nguy cơ làm tăng nặng diễn tiến của COVID-19; (2) cao tuổi, vì người già là nhóm dân số có nguy cơ tử vong do virus nhất; (3) rối loạn nhận thức và hành vi, có thể cản trở việc tuân thủ các biện pháp cách ly và vệ sinh; (4) bệnh nhân tâm thần có khó khăn về kinh tế xã hội [23].


Như vậy có thể thấy, dịch COVID-19 là nguyên nhân của rất nhiều rối loạn tâm thần và đặc biệt ảnh hưởng đến những bệnh nhân có tiền sử tâm thần đã và đang được điều trị. Các triệu chứng tâm thần ở bệnh nhân nội trú cũng xuất hiện nhiều hơn và có những ảnh hưởng đáng kể. 
3. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN ĐẾN BỆNH NHÂN KHÔNG NHIỄM COVID-19 KHI ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN HỖN HỢP
Tình trạng căng thẳng tâm lý và các rối loạn tâm thần có thể tăng lên nhiều lần do bệnh nhân cảm thấy đe dọa về tính mạng khi đến bệnh viện điều trị và có thể làm thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh dẫn đến thay đổi về sinh lý, hành vi [24]. Những nỗi sợ này vẫn tồn tại cho dù bệnh viện, khu vực đó đã khống chế dịch thành công, điều này có thể giải thích bẳng phản ứng của người dân bị ảnh hưởng bởi các thông báo rủi ro của Quốc gia hơn là tình hình thực tế của địa phương [9].
Lega I (2021) ghi nhận thực trạng tại Ý  khi bệnh nhân điều trị nội trú dài ngày trong thời gian đại dịch có thể xuất hiện các triệu chứng tâm thần ở mức độ nặng như ám ảnh cưỡng chế, ảo giác và hoang tưởng dẫn đến việc gia tăng gánh nặng bệnh tật, kéo dài thời gian cần phải điều trị [25]. Mansfield KE (2021) nhận thấy tình trạng bệnh nhân điều trị nội trú tại Anh thường than phiền các triệu chứng khó thở, mệt mỏi nhiều hơn trong đại dịch. Đặc biệt, các triệu chứng này làm nặng hơn tình trạng bệnh của người bệnh COPD, hen suyễn [26]. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy hầu hết các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện đều tràn ngập cảm giác lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn trong thời gian bùng phát dịch ở đất nước này [27].
Kompaniyets L và cộng sự (2020) đã thu thập dữ liệu từ hơn 800 bệnh viện tại Hoa Kỳ và ghi nhận tình trạng lo âu ở bệnh nhân trong các giai đoạn bùng dịch COVID-19  trong cộng đồng có thể làm nặng hơn các tình trạng rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp dẫn đến tình trạng tử vong cao hơn [26]. 

Nguồn ảnh: https://cdnimg.vietnamplus.vn/t620/uploaded/qfsqy/2021_08_22/ttxvn_benh_vien_da_chien.jpg
Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu trên, có thể thấy rằng, bên cạnh ảnh hưởng đến thể chất, dịch COVID-19 còn tạo ra các gánh nặng về sức khỏe tâm thần cho người bệnh. Hiện nay, mô hình bệnh viện điều trị hỗn hợp đang được triển khai tại nhiều nơi, tuy nhiên các bằng chứng cho thấy đây có thể là rủi ro cho việc tăng nặng hơn các triệu chứng rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Việc một bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú hoặc khám chữa bệnh thông thường có thể bị chậm trễ do sự thay đổi cấu trúc hoạt động và thiếu nhân lực trong thời gian đại dịch đã gây ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về lây nhiễm chéo, chứng kiến cái chết của những bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể tạo ra những bất lợi về tâm lý, từ đó làm thay đổi sinh lý của bệnh nhân dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, giảm hiệu quả điều trị. 
4. KIẾN NGHỊ 
Cần phải có những đánh giá và công bố khoa học về vấn đề đã nêu trên để đảm bảo các giải pháp phải xuất phát từ bằng chứng cụ thể và thuyết phục. Tuy nhiên, trước mắt cần triển khai nhanh những mô hình điều trị phù hợp hơn để giúp cho bệnh nhân không nhiễm COVID-19 được điều trị tốt hơn và không bị “bỏ rơi” trong giai đoạn này. 
Việc áp dụng các phương pháp khám chữa bệnh từ xa như telehealth/ mobilehealth sẽ phần nào giải quyết được nhu cầu của bệnh nhân khi người bệnh không cần phải tới cơ sở y tế, sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm và qua đó hạn chế sự lo âu, căng thẳng của bệnh nhân. Ngoài ra, cũng cần đến các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine toàn dân, các gói hỗ trợ an sinh xã hội đến nhóm dễ bị tổn thương nói chung và bệnh nhân không mắc COVID-19 nói riêng để duy trì được sức mạnh của ý chí, giúp mọi người tự chăm sóc được bản thân và tránh tình trạng hoảng loạn, lo âu trong bối cảnh hiện nay. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Medicine, J.H.U.o. COVID-19 dashboard by the Center for Systems Science and Engineering (CSSE) at Johns Hopkins University (JHU). 2021; Available from: https://coronavirus.jhu.edu/map.html.
2.    Mafham, M.M., et al., COVID-19 pandemic and admission rates for and management of acute coronary syndromes in England. Lancet, 2020. 396(10248): p. 381-389.
3.    Mulholland, R.H., et al., Impact of COVID-19 on accident and emergency attendances and emergency and planned hospital admissions in Scotland: an interrupted time-series analysis. J R Soc Med, 2020. 113(11): p. 444-453.
4.    Maringe, C., et al., The impact of the COVID-19 pandemic on cancer deaths due to delays in diagnosis in England, UK: a national, population-based, modelling study. Lancet Oncol, 2020. 21(8): p. 1023-1034.
5.    Yu, N., et al., Clinical features and obstetric and neonatal outcomes of pregnant patients with COVID-19 in Wuhan, China: a retrospective, single-centre, descriptive study. Lancet Infect Dis, 2020. 20(5): p. 559-564.
6.    Driggin, E., et al., Cardiovascular Considerations for Patients, Health Care Workers, and Health Systems During the COVID-19 Pandemic. J Am Coll Cardiol, 2020. 75(18): p. 2352-2371.
7.    Tam, C.F., et al., Impact of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Outbreak on ST-Segment-Elevation Myocardial Infarction Care in Hong Kong, China. Circ Cardiovasc Qual Outcomes, 2020. 13(4): p. e006631.
8.    Douglas, M., et al., Mitigating the wider health effects of covid-19 pandemic response. Bmj, 2020. 369: p. m1557.
9.    Santi, L., et al., non-COVID-19 patients in times of pandemic: Emergency department visits, hospitalizations and cause-specific mortality in Northern Italy. PLOS ONE, 2021. 16(3): p. e0248995.
10.    Jia, R., et al., Mental health in the UK during the COVID-19 pandemic: cross-sectional analyses from a community cohort study. BMJ Open, 2020. 10(9): p. e040620.
11.    Daly, M., A.R. Sutin, and E. Robinson, Longitudinal changes in mental health and the COVID-19 pandemic: evidence from the UK Household Longitudinal Study. Psychological Medicine, 2020: p. 1-10.
12.   UN Vietnam, UN analysis on social impacts of covid-19 and strategic policy recommendations for Viet Nam, 2021, Available from: https://vietnam.un.org/index.php/vi/node/95128.
13.    Pfefferbaum, B. and C.S. North, Mental Health and the Covid-19 Pandemic. N Engl J Med, 2020. 383(6): p. 510-512.
14.    Yao, H., J.H. Chen, and Y.F. Xu, Patients with mental health disorders in the COVID-19 epidemic. Lancet Psychiatry, 2020. 7(4): p. e21.
15.    Heitzman, J., Impact of COVID-19 pandemic on mental health. Psychiatr Pol, 2020. 54(2): p. 187-198.
16.   Byrne, A., Barber, R. and Lim, C.H., Impact of the COVID-19 pandemic – a mental health service perspective. Prog. Neurol. Psychiatry, 2021, 25: 27-33b. https://doi.org/10.1002/pnp.708
17.    Zhu, S., et al., The immediate mental health impacts of the COVID-19 pandemic among people with or without quarantine managements. Brain, behavior, and immunity, 2020. 87: p. 56-58.
18.    Losada-Baltar, A., et al., "We Are Staying at Home." Association of Self-perceptions of Aging, Personal and Family Resources, and Loneliness with Psychological Distress During the Lock-Down Period of COVID-19. J Gerontol B Psychol Sci Soc Sci, 2021. 76(2): p. e10-e16.
19.    Al-Hanawi, M.K., et al., Psychological Distress Amongst Health Workers and the General Public During the COVID-19 Pandemic in Saudi Arabia. Risk management and healthcare policy, 2020. 13: p. 733-742.
20.    Wang, C., et al., Immediate Psychological Responses and Associated Factors during the Initial Stage of the 2019 Coronavirus Disease (COVID-19) Epidemic among the General Population in China. Int J Environ Res Public Health, 2020. 17(5).
21.    Qiu, J., et al., A nationwide survey of psychological distress among Chinese people in the COVID-19 epidemic: implications and policy recommendations. Gen Psychiatr, 2020. 33(2): p. e100213.
22.    Hao, F., et al., Do psychiatric patients experience more psychiatric symptoms during COVID-19 pandemic and lockdown? A case-control study with service and research implications for immunopsychiatry. Brain, behavior, and immunity, 2020. 87: p. 100-106.
23.    Chevance, A., et al., Ensuring mental health care during the COVID-19  epidemic in France: A narrative review. Encephale, 2020. 46(3): p. 193-201.
24.    Hambisa, S., et al., Assessment of Psychological Distress and Associated Factors among Hospitalized Patients During the COVID-19 Pandemic at Selected Hospitals in Southwest Ethiopia. Neuropsychiatric disease and treatment, 2021. 17: p. 885-892.
25.    Lega, I., et al., Psychiatric disorders among hospitalized patients deceased with COVID-19 in Italy. EClinicalMedicine, 2021. 35: p. 100854.
26.    Mansfield, K.E., et al., Indirect acute effects of the COVID-19 pandemic on physical and mental health in the UK: a population-based study. The Lancet Digital Health, 2021. 3(4): p. e217-e230.
26.    Kompaniyets, L., et al., Underlying Medical Conditions and Severe Illness Among 540,667 Adults Hospitalized With COVID-19, March 2020–March 2021. Preventing Chronic Disease, 2021. 18.
27.   Apisarnthanarak, et al.., Patients' anxiety, fear, and panic related to coronavirus disease 2019 (COVID-19) and confidence in hospital infection control policy in outpatient departments: A survey from four Thai hospitals. Infection control and hospital epidemiology, 2020. 1–2. 

 

Hình ảnh minh họa: Lancet, Thông tin Chính phủ, vietnamplus.vn

Từ khoá: Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân covid19,