Chương trình Quản lý suy tim

Thông tin khoa học 2021-01-31
Suy tim hiện vẫn đang là gánh nặng toàn cầu (với 1-2% dân số thế giới bị suy tim – tương đương khoảng 26 triệu người mắc bệnh); tỉ lệ mắc suy tim tăng theo tuổi ở cả hai giới. Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim, ước tính 1-1.5% dân số.

Bệnh nhân suy tim sẽ trải qua nhiều giai đoạn ổn định và bất ổn. Bệnh có thể diễn biến âm thầm mội thời gian dài, sau đó, vì một lý do cấp tính, suy tim rơi vào giai đoạn mất bù khiến bệnh nhân phải nhập viện. Sau khi được bác sĩ điều trị tích cực, người bệnh ra viện và ổn định (có thể trong một thời gian dài, vài tháng, vài năm). Đến những giai đoạn cuối, người bệnh liên tục có tình trạng suy tim mất bù, vào viện - ra viện liên tục và cuối cùng là tử vong. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tái nhập viện ở bệnh nhân suy tim rất cao, cứ 4 bệnh nhân suy tim xuất viện thì có 1 người tái nhập viện trong vòng 30 ngày.

Một số nguyên nhân thường gặp khiến suy tim nặng lên và người bệnh phải nhập viện bao gồm: do người bệnh bỏ thuốc, không tuân thủ đúng thuốc mà bác sĩ chỉ định; có các bệnh lý cấp tính (cúm, viêm phổi, tăng huyết áp không kiểm soát được, rối loạn nhịp tim, lên cơn nhồi máu cơ tim…) xảy ra khiến suy tim mất bù; do chế độ ăn uống và vận động không phù hợp và do dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid, các thuốc corticoid làm giữ nước khiến cho tim phải làm việc vất vả hơn.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia (2011), 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày của người Việt Nam là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn; 11% từ các thực phẩm chế biến sẵn và 7,4% trong thực phẩm tự nhiên. Nghiên cứu của Paul N. Jensen, Trần Quốc Bảo và cs (2018) cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình của người Việt Nam là 10g/ngày, cao gấp đôi so với khuyến cáo. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy người Việt Nam có mức độ hoạt động thể lực thấp, tiêu thụ nhiều muối, mì ăn liền và các loại nước ngọt không có cồn; ăn ít trái cây, rau củ và hải sản. Bên cạnh việc dùng thuốc, việc thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn là rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và giảm số lần tái nhập viện.  

Chương trình Quản lý suy tim giúp cải thiện sống còn, cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân suy tim. Ngoài ra, bệnh nhân tham gia chương trình có thể tăng khả năng gắng sức, giảm số lần nhập viện và thời gian nằm viện, đồng thời giảm chi phí điều trị. Chương trình sẽ được tiến hành thông qua việc.

  • Thành lập Phòng khám suy tim
  • Xây dựng hệ thống bệnh án điện tử
  • Xây dựng bộ tài liệu thống nhất về quản lý suy tim
  • Thực hiện chương trình đào tạo cho nhân viên và bệnh nhân, bên cạnh việc tiến hành các nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân suy tim.

Để thực hiện được việc quản lý và điều trị bệnh nhân suy tim cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa BS, Điều dưỡng chuyên khoa tim mạch tim mạch, BS hồi sức tim mạch, Dược sĩ lâm sàng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, công nghệ thông tin và tư vấn viên dinh dưỡng.

Bài viết:  TS.BS. Hoàng Thị Bạch Yến, Phó Trưởng Khoa YTCC,

 Trưởng bộ môn Dinh dưỡng – Sức khỏe môi trường & nghề nghiệp,

Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện

Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế

 

Từ khoá: suy tim, van dong, dinh duong